Trang tin tức sự kiện
 
Việt Nam: Được và mất khi tham gia AEC

Hội thảo “Tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” do Trường ĐHKT tổ chức ngày 12/10/2013
Tại Hội thảo “Tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng, tham gia vào Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội do AEC mang lại, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc lựa chọn chính sách và những giải pháp hợp lý…


Trọng tâm của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là phát triển kinh tế khu vực dựa trên sự kết nối sức mạnh thị trường của các quốc gia thành viên ASEAN với khoảng 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD. Lộ trình xây dựng AEC vào năm 2015 đang đi đúng hướng và tiến độ khi các nước trong khu vực đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc theo lộ trình. AEC sẽ hướng tới thực hiện bốn trụ cột: một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều cơ hội cho Việt Nam

Nhận định về cơ hội của Việt Nam khi tham gia vào AEC, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tham gia vào AEC, thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt là từ các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn như Singapore , Indonesia ,…

“Điều quan trọng nhất là việc tham gia sâu rộng vào AEC sẽ giúp Việt Nam tăng cường cải cách nền kinh tế ở trong nước theo những tiêu chuẩn của hội nhập, giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển hiệu quả hơn, qua đó dần vượt qua những thách thức.”, ông Sơn nhấn mạnh.

Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng, thị trường ASEAN rất tiềm năng với 600 triệu dân, GDP của khu vực khoảng 2.200 tỷ USD, quy mô rất lớn. Tham gia ASEAN năng lực cạnh tranh không phải chỉ của riêng mình mà là cả khối. ASEAN có những quy tắc về cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện nhanh hơn các yêu cầu để tiến tới ASEAN là thể chế tương đối thống nhất, hài hòa hóa hải quan, có những trình độ kỹ thuật như các nước trong khu vực.

Hiện nay, trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là một trong bốn thành viên có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong Lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Việt Nam đã tham gia hợp tác một cách toàn diện với các nước ASEAN từ các lĩnh vực truyền thống như: thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, viễn thông, cho đến các lĩnh vực mới như: bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng…Cho tới nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.

Không ít thách thức

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào AEC là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước ASEAN - 6, thể hiện cả ở quy mô vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động,…

Thời điểm cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các nước ASEAN, đặc biệt là khi các nước ASEAN loại bỏ các hàng rào phi thuế quan. Một số ngành sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.

Một trong những điểm yếu của Việt Nam , theo ông Nguyễn Hồng Sơn là từ ngay chính bản thân doanh nghiệp. “Trong khi Chính phủ tích cực điều chỉnh các luật hay các khuôn khổ chính sách để phù hợp với tiến trình, thì cộng đồng doanh nghiệp lại chưa chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu rõ về cộng đồng ASEAN, tận dụng được những lợi ích, những cơ hội hội nhập kinh tế khi tham gia vào AEC. Nhiều nước hiện nay đã có bước chuẩn bị rất tích cực, điển hình như Thái Lan. Cộng đồng doanh nghiệp của Thái Lan cũng đang rất sẵn sàng để tận dụng những cơ hội của tiến trình hội nhập này”, ông Sơn nhận định.

“Quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết mình sẽ gặp phải những đối thủ cạnh tranh nào, mình sẽ có những cơ hội nào, những thách thức nào để qua đó có thể tận dụng ở mức cao nhất các cơ hội và giảm thiểu ở mức thấp nhất các khó khăn trở ngại”,ông Sơn khuyến nghị

Theo số liệu từ Diễn đàn Mạng lưới ASEAN tổ chức hồi đầu tháng 8/2013 tại Singapore công bố, có chưa đến 20% doanh nghiệp ASEAN biết mình cần chuẩn bị gì trước sự kiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (tức là trung bình cứ 5 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp biết về cơ hội và thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN). Con số này ở Việt Nam cũng tương tự. Điều đáng nói là những doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị cho một cộng đồng kinh tế chung chủ yếu là những công ty lớn, đã có đầu tư và cạnh tranh trên thị trường khu vực từ nhiều năm nay. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông tin về cộng đồng kinh tế ASEAN đến với họ còn rất hạn chế.

 


Nguồn: http://www.tgvn.com.vn