Trang tin tức sự kiện
 
Kỳ I: ASEAN và “giấc mơ WTO thứ hai” - AEC 2015

PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Ngày 31/12/2015, sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) sẽ đánh dấu một bước tiến vượt bậc về hội nhập kinh tế của toàn khối Đông Nam Á. AEC nhằm tạo nên một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung với 5 yếu tố được lưu chuyển tự do, gồm: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động giữa 10 nước. Thuế suất sẽ cắt giảm dần về 0% gần như với tất cả mặt hàng.


Đồng thời, AEC nhằm khai thác tối đa các ưu đãi thương mại từ các đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN và với mỗi nước thành viên, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Austraila - New Zealand...

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt với sự nới rộng nhanh chóng các ưu đãi thương mại, sự thiết lập không giới hạn các mạng lưới tài chính - sản xuất trên toàn khu vực. Nếu năng lực sản xuất không được cải thiện, tình trạng phân hóa càng diễn ra mạnh giữa các quốc gia phát triển và nhóm ASEAN-4. Xét riêng tại Việt Nam, 80% DN vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về môi trường kinh doanh trong chưa đầy 2 năm nữa.

Seatimes thực hiện cuộc phỏng vấn nhiều kỳ với PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN nhằm cung cấp những hiểu biết quan trọng và cần thiết đối với khối DN về sự kiện kinh tế lớn AEC.

Kỳ I cung cấp tới độc giả một số nhìn nhận về AEC dưới góc nhìn hội nhập kinh tế

AEC và cấp độ hội nhập kinh tế sâu, rộng của mô hình

Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC sẽ được thành lập vào cuối năm 2015. Theo ông, mô hình hội nhập này có gì khác với mô hình Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ - NAFTA, Cộng đồng Kinh tế Á-Âu - EAEC và Liên minh châu Âu - EU?

Bản chất của Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm 4 trụ cột: thứ nhất, là một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; thứ hai, là một khu vực kinh tế cạnh tranh (có khả năng cạnh tranh cao); thứ ba, là một khu vực có sự phát triển đồng đều trong khu vực; thứ tư, ACE là một khu vực mở, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Nó là một, không phải là bốn phần tách bạch nhau mà là cùng về một thực thể với 4 góc nhìn như vậy. 



"ASEAN rất đặc biệt ở chỗ, ASEAN tự cho mình đóng vai trò trung tâm, đồng thời, các nước cũng coi ASEAN là một khối đóng vai trò trung tâm..."
- PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn trả lời phỏng vấn Seatimes.


Đối với trụ cột 1, AEC là một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó người ta đặt ra mục tiêu là tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn thì tự do di chuyển hơn và tự do di chuyển lao động có kỹ năng. 

Trong khi đó, bản chất của NAFTA là sự tự do di chuyển của hàng hóa và dịch vụ trong một khu vực thương mại tự do, gồm 3 thành viên Canada, Mỹ và Mehico. Mô hình này đạt cấp độ II trong lý thuyết về hội nhập khu vực.

Nòng cốt của EAEC là liên minh thuế quan, vốn được hình thành từ liên minh thuế quan trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, ký kết năm 2000 với sự tham gia của Belarus, Nga và Kazakhstan. Các nước tham gia hướng tới một cấp độ hội nhập cao hơn thị trường chung và sau đó là liên minh kinh tế. Theo đó, NAFTA chỉ là khu vực mậu dịch tự do, thấp hơn xét về cấp độ hội nhập so với EAEC.

Liên minh châu Âu – EU đạt được mức độ cao nhất trong lý thuyết về mức độ hội nhập. EU là liên minh kinh tế với rất nhiều cái chung, như đồng tiền chung, ngân hàng Trung ương châu Âu, các điều tiết vĩ mô cho toàn khu vực. Thậm chí trong một số lĩnh vực như chính trị, EU cũng đạt sự thống nhất. Các  nước trong khối EU chỉ độc lập duy nhất về ngân sách. Đây cũng chính là rắc rối mà EU hiện giờ đang vấp phải. 

Vậy AEC nằm ở một cấp hội nhập hoàn toàn khác với ba mô hình trên?

Nếu nhìn vào cấp độ hội nhập thì hoàn toàn có thể thấy với đặc trưng như trên, AEC cao hơn so với FTA, bởi nó có sự tự do di chuyển của vốn, của thị trường lao động nhưng lại không hoàn toàn mà chỉ là tự do di chuyển vốn hơn, tự do di chuyển lao động nhưng chỉ là tự do di chuyển lao động có kỹ năng

Đồng thời, AEC có thể được xem là một thị trường chung “-”, vì nó chưa đạt được hết tất cả những đặc trưng của thị trường chung. Đó là điểm khác biệt giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN với các mô hình hội nhập kinh tế khác. 

Song, có nhận định cho rằng, sự hạn chế trong cạnh tranh và sức mạnh thị trường của ASEAN trong các AFTA là nguyên nhân kiến AEC ra đời?

Câu hỏi đặt ra là không đúng. Không đúng bởi vì sao? Bởi vì như tôi vừa nói, AEC có 4 trụ cột, trụ cột cuối cùng là một khu vực kinh tế mở và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. 

Nhìn vào lịch sử của khối ASEAN có thể thấy được, năm 1993, ASEAN thực hiện AFTA; năm 2005 là ACFTA , tức Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; năm 2007 ký kết Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, năm 2008, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản; năm 2010, ký kết Hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ và một Hiệp định thương mại tự do khác với Australia và New Zealand. 

Như vậy, hoàn toàn có thể thấy rằng việc ASEAN ký hiệp định thương mại tự do với các nước chính là quá trình hiện thực hóa tiến trình tiến tới một cộng đồng kinh tế, với trụ cột thứ tư, hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, chứ không phải như cách đặt câu hỏi. 

AEC và nguy cơ “nhóm lợi ích" trước các cánh cửa FTA

Tuy nhiên, việc mỗi nước trong AEC được tự do thúc đẩy FTA riêng với nhiều nước ngoài ASEAN có gây nguy hiểm cho cơ chế vận hành AEC? 

Cơ chế ra quyết định của ASEAN được nói đến rất nhiều. Có thể nói hai nguyên tắc cơ chế đồng thuận và cơ chế đa số phiếu đều có ưu, nhược điểm. Cơ chế đồng thuận có nhược điểm làm thời gian ra quyết định chậm hơn và đôi khi không thể thống nhất được với các vấn đề khó, nhạy cảm và mới nảy sinh.  Vấn đề biển Đông chỉ là một ví dụ, còn nhiều vấn đề khác. 

Tuy nhiên, nên nhớ một điều rằng, trong ASEAN đã có những linh hoạt nhất định đối với cơ chế đồng thuận. Lâu  nay, người ta mới chỉ nói đến cơ chế đồng thuận chứ không nói đến những nguyên tắc linh hoạt. Trong Hiến chương ASEAN nêu rõ, nếu có những vấn đề không giải quyết được bằng cơ chế đồng thuận, Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ quyết định cách thức giải quyết. Ngoài ra, đối với việc thực thi các quyết định kinh tế, có thể áp dụng nguyên tắc "ASEAN - X".

Tức là sẽ bỏ lại những quốc gia nào không đồng thuận với quyết định đó?

Không phải! Nếu không đạt được sự đồng thuận, nhưng với điều kiện tất cả các nước cũng phải đồng ý với nguyên tắc ấy, thì nước nào có đủ điều kiện, tiềm lực thì có thể mở cửa ngay, mở cửa nhanh, mở cửa trước; còn những nước khác thì có thể sau. ASEAN - X là như thế. 

Đó là một điều kiện linh hoạt không chỉ ASEAN sử dụng. Tuy nhiên trong tương lai, tôi cho rằng cũng cần nghiên cứu thêm về nguyên tắc đồng thuận để vận dụng một cách phù hợp, giúp ASEAN có thể phát triển tốt hơn.

Như vậy cũng có nghĩa nguy cơ các nước ASEAN bị ly tâm khỏi khối thống nhất ASEAN khi AEC được thành lập là có tồn tại?

Đây là một câu hỏi khó. Hiện tại có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất là khi các nước ASEAN ký kết các Hiệp định tự do thương mại với các nước bên ngoài sẽ tạo ra một xu hướng ly tâm. Nó có thể gây nguy cơ làm tan rã sự hợp tác khu vực trong nền kinh tế ASEAN. 

Quan điểm thứ hai là không nhất thiết là như thế. Mặc dù các nước ASEAN hoàn toàn có thể ký các hiệp định tự do thương mại song phương với nước khác ngoài khu vực, đó có thể là một giai đoạn đầu tiên để có được một hiệp định tự do thương mại lớn hơn, bao trùm hơn sau này. Những hiệp định tự do thương mại lớn hơn sẽ bao trùm cả các hiệp định tự do thương mại nhỏ. 

Ông có thể nói rõ hơn?

Ví dụ, hiện tại các nước ASEAN đang tham gia đàm phán TPP, như Việt Nam, Philippines, Singapore, nhưng sau này, người ta sẽ tiến tới câu chuyện có liên quan tới một hiệp định thương mại khu vực lớn hơn. Hiệp định thương mại khu vực lớn hơn sẽ bao trọn cả TPP.

Như vậy, đó không phải là xu hướng ly tâm. Đây có thể là một bước tiến tới một hình thức hội nhập khu vực lớn hơn. Tôi nghĩ có lẽ nhìn nhận theo xu hướng đó thì sẽ tích cực hơn. Đây là ý thứ nhất. 

Thứ hai, các quan điểm đề cập tới nhiều vai trò trung tâm của ASEAN - ASEAN Centrelity. Thông thường khi một nước hoặc nhóm nước đóng vai trò trung tâm, về lý thuyết, đó phải là một nước mạnh, còn các nước hội nhập là các nước vệ tinh xoay xung quanh. Nhưng, ASEAN rất đặc biệt ở chỗ, ASEAN tự cho mình đóng vai trò trung tâm, đồng thời, các nước cũng coi ASEAN là một khối đóng vai trò trung tâm. Chính vì vậy, ASEAN hiện đang liên kết được một khối để ký kết các hiệp định song phương với các quốc gia khác. 

Hiện tại ASEAN đang tiến tới đàm phán RCEP, là Hiệp định Đối tác khu vực giữa các nước ASEAN với 6 nước đối tác (ASEAN+6). Đó cũng là để tạo ra một hội nhập khu vực rộng hơn hội nhập của ASEAN. 

Chúng ta có thể hình dung một kịch bản. Hãy tưởng tượng, đầu tiên là song phương, sau đó hội nhập vào tiểu khu vực, từ tiểu khu vực ra khu vực lớn hơn, rồi mở rộng ra toàn cầu. Từ TPP, mở rộng tới APEC, rồi một khi APEC kết nối được với EU và kết nối được với các khu vực khác, thì trong tương lai sẽ hình thành được một WTO mới. WTO mới sẽ được hình thành dựa trên các cơ sở đàm phán nhỏ phía dưới, đàm phán song phương, đàm phán khu vực để làm nền tảng cho sự hội nhập lớn ấy, chứ không phải như WTO hiện tại là dựa trên cơ sở toàn cầu, đôi khi không phù hợp với một số quốc gia nhất định. Tôi nhìn theo hướng tích cực như thế. 

Tất nhiên, khi đàm phán song phương sẽ có những ưu đãi nhiều hơn so với đàm phán khu vực. Điều ấy là chắc chắn! Hai nước đưa ra nhiều ưu đãi với nhau hơn, dễ đàm phán hơn, dễ kết thúc hơn. Nhưng rõ ràng xu hướng không thể chỉ như vậy được. Bởi vì bây giờ, có nhiều vấn đề hai nước không thể tự giải quyết với nhau được, cần cả khối, đôi khi là toàn cầu mới giải quyết được, như các vấn đề liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu, nghèo đói, di dân, tội phạm… Hoặc ví dụ các vấn đề liên quan đến chống rửa tiền, một quốc gia không thể tự giải quyết được.

Như vậy thì phải hợp tác, phải cần có cam kết. Ngoài ra, hiện nay sự kết nối rất nhanh và người ta thu được nguồn lợi để hợp tác với nhau. Việc sản xuất ra một loại hàng hóa thường đòi hỏi nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô từ khắp các nơi trên thế giới. Nó thể hiện một nguồn lợi nhất định. Chính nguồn lợi này làm cho sự hợp tác càng trở nên có lợi hơn.

Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn!


Nguồn: Seatimes