Trang tin tức sự kiện
 
Đổi mới quản lý giáo dục đại học Đẩy mạnh "Ba công khai"

Đến nay, tỷ lệ số trường đã thực hiện 3 công khai là khá thấp. Một số trường lấy lý do chưa có trang web, nhưng cũng có trường đã có trang web mà vẫn chưa công khai.


“Đổi mới quản lý giáo dục đại học là đổi mới cách quản lý ở bộ với nhau, ở trường với nhau, ở trường với bộ và ở trường với cơ sở” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức.

Cần thay đổi cách làm

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, giáo dục đại học (GDĐH) bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh - tế xã hội của đất nước. Có nhiều nguyên nhân  dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân căn bản là sự yếu kém trong quản lý Nhà nước về GDĐH và sự yếu kém trong quản lý của các trường ĐH, CĐ. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình hành động về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện GDĐH, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cũng thừa nhận: “Công tác quản lý của Bộ GD - ĐT đối với các trường chưa đổi mới đáng kể để phù hợp với các quy luật chi phối của hệ thống GDĐH, đòi hỏi của xã hội. Phương pháp quản lý Nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng một mặt còn tập trung, chưa có quy chế phối hợp với bộ ngành, chưa phân cấp cho chính quyền địa phương, chưa tạo đủ điều kiện để các cơ sở đào tạo thực hiện quyền và trách nhiệm tự chủ. Mặt khác, không đủ khả năng đánh giá thực chất hoạt động, không có khả năng đánh giá chất lượng giáo dục của toàn hệ thống”.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) nói: “Trường muốn tự chủ nhưng không thể “sáng tạo” mãi được mà phải có chế tài để các trường áp dụng. Nếu cơ sở giáo dục có chất lượng thì mới được tự chủ và phải có cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập đánh giá chất lượng. Như vậy, mới tạo được động lực và sự công bằng cho các trường”.

Ông Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng cho rằng, chọn đổi mới quản lý là khâu đột phá là rất đúng. Tuy nhiên, việc hoàn thiện văn bản pháp luật cần phải bám sát điều kiện thực tế, vì thực tế có không ít văn bản đưa xuống các trường thực hiện rất “vướng”.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT khẳng định, việc chấn chỉnh tình trạng thả nổi chất lượng đại học là việc thực hiện quy định mới về thành lập trường, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kiểm tra thực hiện cam kết của các trường đại học về việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu các trường vi phạm cam kết sẽ bị xử lý theo quy định.

Nhiều trường lờ “3 công khai”

Một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ GD-ĐT đã đề ra là phải nâng cao chất lượng của “3 công khai” trong giáo dục ĐH (công khai cam kết chất lượng giáo dục và giáo dục thực tế; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai thu chi tài chính).

Về vấn đề này, bà Trần Thu Hà, Vụ Đại học nhấn mạnh: “Việc tổ chức xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này và là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng của từng cơ sở đào tạo và toàn ngành. Công bố chuẩn đầu ra chính là công khai với xã hội về năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường để người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng biết và giám sát về năng lực nghề nghiệp, của người học sau khi tốt nghiệp. Đây chính là cam kết của các cơ sở giáo dục đại học và chất lượng đào tạo với xã hội”. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến nay, tỷ lệ số trường đã thực hiện 3 công khai là khá thấp, mới chỉ có 34% số trường có báo cáo đầy đủ nội dung về “3 công khai”. Một số trường lấy lý do chưa có trang web, nhưng cũng có trường đã có trang web mà vẫn chưa công khai.  Trong số các trường ĐH, CĐ đã công khai thông tin thì 31 trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên vượt mức quy định, chủ yếu là các trường ngoài công lập thuộc khu vực TP. Hồ Chí Minh. Chỉ có 69 trường báo cáo đầy đủ chuẩn đầu ra theo quy định. Đặc biệt, còn đến 175 trường chưa báo cáo đầy đủ về công khai thu chi tài chính.

Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế cho rằng, việc thực hiện “3 công khai” chưa đầy đủ là do kỷ cương chưa nghiêm, Bộ vẫn chưa có chế tài xử lý. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Bộ sẽ bàn bạc và sẽ ra thời gian cụ thể, dự kiến đến ngày 15/4 tới, tất cả các trường phải công khai đầy đủ thông tin và đến ngày 15/5, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu các trường vẫn không công khai, Bộ sẽ gửi văn bản đến tất cả các trường THPT thông báo danh sách các trường ĐH, CĐ không công khai về thu chi tài chính và đề nghị học sinh thận trọng khi đăng ký dự thi vào trường”./.  

Nhìn rõ thực tại của giáo dục đại học

Từ cuối tháng 1 - 5/2010, các Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tại một số cơ sở giáo dục đại học ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đến thời điểm này, các Đoàn giám sát đã hoàn thành phần lớn khối lượng công việc. Mới đây, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với UBND TP. Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Theo chương trình, các Đoàn giám sát (ĐGS) của UBTVQH làm việc với khoảng 50 trường trên cả nước. Qua giám sát các trường ĐH, CĐ cho thấy: tỷ lệ sinh viên/giảng viên còn ở mức cao, có nơi trình độ giảng viên còn thấp, đa số các trường là giảng viên có trình độ ĐH. Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục đào tạo hằng năm đều tăng, nhờ đó mà cơ sở vật chất được tăng cường, bộ mặt nhiều trường ĐH thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho GDĐH hiện nay còn hạn hẹp so với yêu cầu, do quy mô tăng quá nhanh nên suất tăng bình quân cho sinh viên là không đáng kể. Mặc dù chúng ta vẫn nói việc đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất cho GDĐH và cơ chế phân bổ kinh phí chi thường xuyên không căn cứ vào chỉ tiêu, nhưng trên thực tế vẫn căn cứ vào chỉ tiêu và không gắn với chất lượng đào tạo, nên dẫn đến tình trạng những trường mà thường xuyên chăm lo nâng cao chất lượng đào tạo, những trường có ngành phải mua sắm thiết bị dạy học tốn tiền hơn thì bị thiệt thòi hơn. Đây là vấn đề mà tới đây các nhà hoạch định chính sách phải tính toán.

Hiện nay, các trường kêu nhiều về vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm đang có nhiều vướng mắc. Cho nên cần sửa đổi bổ sung tháo gỡ sao cho thông thoáng hơn, cởi mở hơn nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật.

Ông Lê Minh Hồng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: Quy trình thành lập trường theo Luật Giáo dục năm 2005 và các văn bản dưới luật không rõ ràng, dẫn đến tình trạng một số trường thành lập không đảm bảo điều kiện, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Qua khảo sát tại 5/96 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. Hà Nội, ĐGS nhận thấy, các cơ sở GDĐH đã được thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Về cơ bản, các trường đều hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và chương trình do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, khó khăn chung của các trường ĐH hiện nay là thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giảng dạy cũng như đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên...

Trong buổi làm việc với ĐGS, UBND TP. Hà Nội đề xuất: Bộ GD-ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn với thành phố trong việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới và quy hoạch phát triển GDĐH đến năm 2020 làm cơ sở cho việc dành quỹ đất mở trường mới, mở rộng và nâng cấp trường đã có. Thực hiện chặt chẽ quy trình 2 giai đoạn trong việc thành lập trường theo hướng: giai đoạn 1 sẽ cho phép thành lập để chuẩn bị các điều kiện; sau 2 - 3 năm, nếu có đủ điều kiện thì cho phép hoạt động đào tạo, giao chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu không đủ điều kiện, kiên quyết không giao chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời có cơ chế kiểm tra và chế tài xử lý nghiêm nếu vi phạm. Đây là một trong những điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH, tránh tình trạng thành lập ồ ạt các trường ĐH, CĐ, nhưng không bảo đảm chất lượng đào tạo./.


Thu Hằng (báo TNVN)