Trang tin tức sự kiện
 
Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN hướng tới xây dựng văn hóa chất lượng

Văn hóa chất lượng tại ĐHKT được khẳng định ngay trong từng giờ giảng.
Xuất phát từ mục đích của Kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục không chỉ để đảm bảo nhà trường có trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục cũng như chất lượng toàn bộ các hoạt động của nhà trường.


Hơn nữa, khi Nhà nước và xã hội ngày càng quan tâm hơn đến việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì KĐCL giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần định hướng các hoạt động xã hội như: (i) Định hướng lựa chọn đầu tư của người học- của phụ huynh đối với cơ sở/chương trình giáo dục đại học có chất lượng và hiệu quả hơn mà phù hợp với khả năng của mình; (ii) Định hướng lựa chọn đầu tư của Nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực theo những ngành nghề cần thiết cho sự phát triển trong tương lai; (iii) Định hướng đầu tư của các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực thích hợp cho doanh nghiệp của mình; (iv) Định hướng cho các nhà đầu tư nuớc ngoài làm từ thiện hay cần phát triển vốn của mình; (v) Định hướng phát triển cho các cơ sở/chương trình giáo dục đại học để tăng cường năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước; (vi) Định hướng cho sự hợp tác đào tạo (chuyển đổi, công nhận văn bằng chướng chỉ…) của các cơ sở/chương trình giáo dục trong và ngoài nước với nhau.

Mặt khác, với quan điểm KĐCL giáo dục là một giải pháp quản lý chất lượng và hiệu quả nhằm các mục tiêu: (i) Đánh giá hiện trạng của cơ sở/chương trình giáo dục đại học đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra như thế nào?; (ii) Đánh giá hiện trạng những điểm mạnh, tồn tại so với các tiêu chuẩn đề ra của cơ sở/chương trình giáo dục; (iii) Trên cơ sở các điểm mạnh và các tồn tại phát hiện được, định ra kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục tồn tại để phát triển; (iv) Thực hiện KĐCL là xây dựng văn hoá chất lượng (VHCL) cho cơ sở /chương trình giáo dục.

Trên cơ sở quán triệt đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động KĐCL giáo dục, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT - ĐHQGHN) đã sớm xác định tầm nhìn đến 2030: “Trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực châu Á, trong đó có một số ngành và nhiều chuyên ngành được kiểm định bởi các tổ chức KĐCL giáo dục có uy tín trên thế giới”. Đặc biệt nhà trường tập trung vào các giá trị cốt lõi là: (i) Khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê;(ii) Tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác;(iii) Coi trọng chất lượng, hiệu quả;(iv) Đảm bảo hài hoà, phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2007-2011, Trường ĐHKT đã triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trên phạm vi toàn trường, thông qua đa dạng các hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau. Hàng năm, Nhà trường đặt mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho công tác KĐCL, lần lượt tự đánh giá /đăng ký đánh giá ngoài các chương trình đào tạo, đơn vị đào tạo theo các tiêu chuẩn đánh giá của ĐHQGHN, của Bộ GD&ĐT và của các tổ chức KĐCL có uy tín trong khu vực như AUN-QA.

Ngay từ năm 2006 (khi còn là Khoa Kinh tế thuộc ĐHQGHN) Trường ĐHKT đã thực hiện tự đánh giá và được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn KĐCL đơn vị đào tạo của ĐHQGHN; năm 2009, trường tổ chức tự đánh giá giữa kỳ theo tiêu chuẩn KĐCL đơn vị đào tạo của ĐHQGHN; năm 2009, chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế đối ngoại hệ chất lượng cao của trường được KĐCL theo Bộ tiêu chuẩn KĐCL chương trình đào tạo của ĐHQGHN; năm 2010, cũng chương trình này được Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN) đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của AUN; năm 2011, Trường ĐHKT đã hoàn thành việc triển khai tự đánh giá nhà trường theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để tăng hiệu quả hoạt động KĐCL của trường, trong mỗi hoạt động KĐCL diễn ra đều có sự tham gia của nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên liên quan, thông qua nhiều hình thức như tham dự tập huấn về ĐBCL, KĐCL, tiếp cận bộ tiêu chuẩn đánh giá; trực tiếp tham gia viết báo cáo Tự đánh giá; cung cấp thông tin, minh chứng phục vụ tự đánh giá và đánh giá ngoài. Các kế hoạch hành động nhằm khắc phục những tồn tại được phát hiện trong quá trình tự đánh giá và những đề xuất khuyến nghị của các đoàn đánh giá ngoài được các bộ phận liên quan đưa vào kế hoạch nhiệm vụ của mỗi năm học.

Kết quả công tác đảm bảo và KĐCL nhà trường đã đạt được trong giai đoạn vừa qua là sự tổng hợp của nhiều yếu tố:

Thứ nhất là, Công tác chỉ đạo của Đảng ủy, BGH nhà trường

Ngay từ khi được nâng cấp từ Khoa Kinh tế - ĐHQGHN thành Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2007, Đảng ủy, Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường đã coi công tác KĐCL giáo dục là giải pháp đánh giá và phát triển chất lượng của nhà trường. Đặc biệt, BGH đã cử một Phó hiệu trưởng phụ trách trực tiếp và điều hành hoạt động ĐBCL và công tác KĐCL của nhà trường.

Thứ hai là, Công tác tuyên truyền phổ biến

Ngoài các hoạt động phổ biến, giới thiệu về vị trí, vai trò và chức năng của Trung tâm ĐBCL giáo dục cũng như công tác ĐBCL đến các đối tượng có liên quan trong và ngoài trường, nhà trường còn thực hiện một loạt các giải pháp nhằm tuyên truyền quán triệt các hoạt động ĐBCL như: (i) Đưa mảng ĐBCL thành một mảng hoạt động độc lập trong KHNV năm học; (ii) Xây dựng và duy trì module ĐBCL trên website của Trường, với các tin, bài liên tục được cập nhật; (iii) Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, xê-mi-na cấp trường về các chủ đề liên quan đến công tác ĐBCL như: KĐCL, đánh giá hoạt động giảng dạy, đánh giá chương trình...; (iv) Xây dựng và cập nhật hệ thống dữ liệu phục vụ công tác ĐBCL, bao gồm: các tài liệu hướng dẫn công tác ĐBCL và KĐCL do ĐHQGHN, Bộ GD&ĐT ban hành, các tài liệu KĐCL của AUN…

Thứ ba là, việc tăng cường năng lực bộ phận chuyên trách ĐBCL của trường

Năm 2009, Trung tâm ĐBCL giáo dục của trường được thành lập, có cán bộ chuyên trách thực hiện các công tác ĐBCL. Nhà trường có chính sách tìm kiếm, tuyển dụng cán bộ ĐBCL được đào tạo đúng chuyên ngành, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ĐBCL. Tính đến đầu năm học 2011-2012, số cán bộ và chuyên viên của Trung tâm là 05 người trong đó có 03 người được đào tạo đúng chuyên ngành ĐBCL.

Thứ tư là, tăng cường các hoạt động đánh giá chất lượng / điều tra khảo sát đáp ứng các tiêu chí KĐCL

Ngay từ khi được thành lập, Nhà trường đã xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng giảng dạy, trong đó có Hội đồng Khoa học và Đào tạo do Hiệu trưởng làm chủ tịch và Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo làm Phó chủ tịch. Hội đồng Khoa học và Đào tạo xem xét, thông qua tất cả các văn bản, tài liệu liên quan đến chương trình đào tạo.

Mặt khác, Nhà trường giao cho Trung tâm ĐBCL giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc điều tra khảo sát, mỗi năm Trung tâm ĐBCL giáo dục tiến hành các cuộc điều tra khảo sát bao gồm : (i) Khảo sát ý kiến sinh viên về hoat động giảng dạy của giảng viên và về môn học; (ii) Khảo sát ý kiến sinh viên về chất lượng các hoạt động/dịch vụ hỗ trợ người học; (iii) Khảo sát ý kiến sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp về chương trình giáo dục; (iv) Khảo sát cựu sinh viên về tình hình việc làm và thu nhập; (iv) Khảo sát ý kiến cán bộ, giảng viên về công tác tổ chức và quản lý của nhà trường.Các báo cáo kết quả khảo sát được chuyển tới Ban Giám hiệu, Phòng Tổ chức nhân sự, Phòng Đào tạo và các khoa. Phòng Đào tạo và các khoa được yêu cầu sử dụng kết quả khảo sát nhằm phục vụ cải tiến chất lượng và có báo cáo phản hồi cho Ban Giám hiệu nhà trường về việc sử dụng kết quả khảo sát. Kết quả của các cuộc điều tra khảo sát đều được Ban Giám hiệu coi trọng và có các giải pháp sử dụng hiệu quả nhằm thực hiện cải tiến liên tục.

Thứ năm là, chuẩn hóa các hoạt động khảo thí đáp ứng hoạt động KĐCL

Để góp phần xây dựng VHCL nội bộ, Trường ĐHKT xác định rõ tầm quan trọng của các hoạt động thi/ kiểm tra đánh giá sinh viên phảikhoa học, chính xác và minh bạch. Tính khoa học, chính xác và minh bạch được nhà trường tìm giải pháp tăng cường thông qua hai hoạt động: (i)Công tác xây dựng đề thi: Trường đầu tư kinh phí và nhân lực xây dựng các bộ đề thi, tiến tới xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho các môn học; (ii) Công tác tổ chức thi: Tuân thủ chặt chẽ theo những thủ tục đã được xác định rõ trong quy trình tổ chức đào tạo của nhà trường, với sự tham gia thực hiện, theo dõi, giám sát của phòng Đào tạo, Ban Thanh tra và Trung tâm ĐBCL giáo dục.

Ngoài các thành tích đã đạt được trong hoạt động KĐCL, trong quá trình tổ chức hoạt động KĐCL Trường ĐHKT - ĐHQGHN cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này.

Thứ nhất là, Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác KĐCL do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã tương đối đầy đủ, nhưng chưa có quy định để thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, triển khai hoạt động đánh giá ngoài và công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai là, trong quá trình thực hiện hoạt động KĐCL một trong những khó khăn chung của tất cả các cơ sở giáo dục là chưa có quy định, chế tài về tài chính cho hoạt động KĐCL.

Thứ ba là, đội ngũ thực hiện hoạt động KĐCL chưa chuyên nghiệp và chưa được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên theo một chương trình bài bản do Nhà nước ban hành.

Thứ tư là, các kết quả của hoạt động KĐCL chưa thực sự được cơ quan quản lý giáo dục sử dụng có hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng giáo dục đại học.

Những khó khăn gặp phải trong quá trình tổ chức hoạt động KĐCL là một rào cản lớn trong quá trình triển khai hoạt động đảm bảo và KĐCL ở trường đại học. Những khó khăn này chỉ có thể được giải quyết cũng như hoạt động KĐCL sẽ được triển khai một cách bài bản hơn trong giai đoạn tới khi mà Nhà nước ban hành Luật Giáo dục đại học và các văn bản dưới Luật khác liên quan đến công tác đảm bảo và KĐCL, dần dần tạo ra sự tự nguyện tham gia các hoạt động KĐCL của các cơ sở giáo dục.

Chính vì lí do trên, việc đưa quy định về bảo đảm và KĐCL vào trong dự thảo Luật giáo dục đại học với các quy định cụ thể về: (i) Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học đối với hoạt động bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; (ii) Phân định rõ ràng mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng KĐCL giáo dục đại học, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học và có pháp chế cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học, sẽ tạo ra một sự đột phá trong hoạt động KĐCL của ĐHKT - ĐHQGHN nói riêng và của các cơ sở giáo dục đại học nói chung. Việc thông qua dự thảo Luật giáo dục đại học mới có đề cập chi tiết các hoạt động Bảo đảm chất lượng và KĐCL giáo dục sẽ là “quả đấm thép” cho việc giải quyết các tồn tại trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm và KĐCL giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đại học ở trên lãnh thổ Việt Nam.

Thay cho lời kết

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế về mọi mặt như hiện nay, xây dựng và phát triển VHCL trong trường đại học có tầm quan trọng rất lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp đào tạo như sứ mệnh mà mỗi trường ĐH đã đặt ra. Ở Trường ĐHKT - ĐHQGHN, VHCL được xây dựng thông qua đa dạng các hoạt động, tuy nhiên dựa trên sự nhất trí và đồng thuận về các quan điểm: (i) Xây dựng VHCL để nâng cao nội lực của nhà trường; (ii) Xây dựng VHCL trên cơ sở mọi thành viên hiểu rõ công việc của mình thế nào là có chất lượng, từ đó có thể chủ động hành động theo yêu cầu chất lượng; (iii) Xây dựng VHCL trên cơ sở mọi thành viên hiểu rõ những điều liên quan đến công việc của mình thế nào là có chất lượng, từ đó có thể chủ động tham gia ý kiến, đóng góp công sức và các giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng cho từng hoạt động.

Xem bài gốc >>


ThS. Sái Công Hồng Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng, Trường ĐHKT - ĐHQGHN