Trang tin tức sự kiện
 
Có bằng đại học để làm gì?

Ảnh chỉ có tính minh họa
Chuyện về những cử nhân chấp nhận làm xe ôm công nghệ, người giao hàng, hay thậm chí về quê… chăn lợn, cùng chuyện về những người không bằng cấp kiếm tiền tỷ nhờ tài kinh doanh hay óc sáng tạo xuất hiện thường xuyên trên báo chí dễ gây ấn tượng rằng có bằng đại học cũng chẳng để làm gì.


Trong khi trên thực tế, bằng đại học đang bảo đảm thu nhập tốt hơn cho người lao động.

Đó là một trong những kết luận được rút ra từ nghiên cứu ước tính mức sinh lợi của việc học đại học đối với cá nhân ở Việt Nam do TS Trần Quang Tuyến (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự thực hiện. Trước đó, TS Tuyến và các cộng sự từng nghiên cứu đo lường tác động của giáo dục nói chung tới tiền lương hoặc thu nhập hộ.

Có học có hơn

Ở nghiên cứu mới trong khuôn khổ đề tài do Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt hàng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), TS Tuyến dành mối quan tâm đến mức sinh lợi của giáo dục đại học tính theo 10 nhóm ngành, bao gồm: Đào tạo giáo viên; Nhân văn và Nghệ thuật; KHXH; KHTN; Công nghệ và Kỹ thuật; Nông nghiệp và Thú y; Y dược; Dịch vụ các ngành; An ninh quốc phòng; Các lĩnh vực khác. Các nhóm ngành này được phân chia dựa trên danh mục giáo dục-đào tạo Việt Nam, phân loại ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và phân loại ngành học của ILO.

Nhóm nghiên cứu của TS Tuyến sử dụng phân tích hồi quy đa biến để so sánh mức lương giữa các lao động cùng giới tính, cùng tuổi nghề, ở những tỉnh và vùng miền có mức sống tương đương thuộc các nhóm khác nhau.

Kết quả, nhóm ngành An ninh quốc phòng có mức sinh lợi cao nhất, trong so sánh với nhóm ngành Đào tạo giáo viên. Cụ thể, lao động ở nhóm ngành này có mức lương trung bình theo giờ cao hơn 16% so với lao động ở nhóm đối sánh. Các nhóm ngành khác cũng đều có mức sinh lợi cao hơn nhóm ngành Đào tạo giáo viên từ 1% đến 10%; trừ nhóm ngành Nông nghiệp có mức sinh lợi kém nhất, thấp hơn 12%.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn đo lường sự khác biệt về thu nhập giữa các nhóm lao động có bằng đại học và sau đại học với nhóm lao động chưa học tiểu học và nhóm lao động có học vấn thấp hơn cao đẳng. Theo đó, nhóm lao động có bằng đại học có mức lương trung bình theo giờ cao hơn lao động thuộc các nhóm đối sánh lần lượt là 77% và 57%; trong khi nhóm có bằng sau đại học cao hơn 96% và 75%.

Như vậy, nhìn chung, giáo dục luôn có đóng góp dương vào thu nhập của các cá nhân. Điều này càng được khẳng định chắc chắn qua việc xem xét mức lương tháng trung bình của các nhóm lao động sở hữu các loại bằng cấp khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra, ở bất kỳ nhóm cùng phân vị nào (chẳng hạn như nhóm 20% lao động có mức lương tháng thấp nhất hay nhóm 20% lao động có mức lương tháng cao nhất) thì người sở hữu bằng cấp cao hơn sẽ có mức lương tháng cao hơn.

Trong nghiên cứu của mình, TS Tuyến sử dụng dữ liệu điều tra lao động việc làm (LFS) quý 1/2018 do Tổng cục Thống kê công bố, với mẫu gồm 200 nghìn lao động đại diện cho các vùng và tỉnh/thành phố trên khắp cả nước. Theo TS Tuyến, anh tính được mức sinh lợi của giáo dục đại học cho từng nhóm ngành là bởi năm nay, lần đầu tiên dữ liệu LFS đã bổ sung nội dung về ngành học.

Đầu tư hợp lý để bảo đảm chất lượng tấm bằng

Một khía cạnh kinh tế khác cũng được nghiên cứu trong đề tài do Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt hàng VIASM là chi phí đơn vị cho giáo dục Việt Nam, hay chi phí để đào tạo ra một sinh viên ở Việt Nam là bao nhiêu thì bảo đảm chất lượng.

Sử dụng dữ liệu về GDP đầu người, chi phí đầu tư trên đầu sinh viên của nhà nước, học phí trung bình ở các trường công ở 30 nước trên thế giới, TS Phạm Hiệp, ĐH Thành Tây, và các cộng sự tính ra con số chi phí hợp lý ở Việt Nam trong năm 2013 là 56 triệu đồng/sinh viên/năm (hay 1.900 USD, tương đương 138% GDP đầu người) và năm 2018 là 61 triệu đồng/sinh viên/năm (hay 2.760 USD, tương đương 118% GDP đầu người).

Theo TS Hiệp, con số này khá tương đồng với nghiên cứu trước đó của GS Phạm Phụ, tác giả người Việt đầu tiên nhắc đến phương pháp đối sánh với GDP đầu người để tính toán chi phí đơn vị cho giáo dục đại học. Trong một nghiên cứu vào năm 2010, GS Phạm Phụ đã dẫn con số do WB ước tính tại thời điểm năm 2009, chi phí đơn vị hợp lý ở Việt Nam là 1.200 USD/sinh viên /năm (tương đương 120% GDP đầu người). Báo cáo mới đây do PGS Thái Bá Cần, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trình bày tại Hội nghị Giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức cũng ước tính con số này nên vào khoảng từ 75-150% GDP đầu người.

Bằng cấp càng cao cho thu nhập càng cao. Nguồn: Nghiên cứu (chưa công bố) “Ước tính mức sinh lợi cá nhân của việc đi học đại học của sinh viên Việt Nam” của TS Trần Quang Tuyến và các cộng sự.

So với ước tính chi phí đơn vị mà nghiên cứu của TS Hiệp và các cộng sự nêu ra, chi phí thực tế đào tạo sinh viên ở Việt Nam hiện nay đang thấp hơn rất nhiều, trung bình vào khoảng hơn 10 triệu đồng/sinh viên/năm, tương đương 25% GDP đầu người (con số của năm 2013). TS Hiệp cho biết, khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy chỉ có một số chương trình tại các đại học tư như ĐH FPT, ĐH Hoa Sen…, các đại học quốc tế như ĐH RMIT Việt Nam hoặc chương trình tiên tiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có mức chi phí đơn vị tương đương hoặc hơn so với mức hợp lý mà nhóm ước tính.

Đường xa đến hàm ý chính sách

Sáng 20/8, dưới sự chủ trì của GS Ngô Bảo Châu, VIASM đã tổ chức hội thảo giữa kỳ như một cuộc lấy ý kiến phản biện mở cho hai nội dung nghiên cứu nói trên của đề tài “Sử dụng mô hình toán nghiên cứu, đánh giá một số khía cạnh tài chính trong giáo dục đại học và đề xuất chính sách”.

Về nghiên cứu của TS Trần Quang Tuyến, nhiều người tham dự, trong đó có các nhà quản lý và nhà nghiên cứu giáo dục, cho rằng, không chỉ có bằng cấp, mà còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến mức lương của người lao động như xuất thân, địa vị của cha mẹ hay các kỹ năng mềm.

TS Tuyến thừa nhận, đó là “những biến cực hay nhưng cực khó đo lường”; tuy nhiên, anh cho biết , theo một nghiên cứu do anh và các cộng sự tiến hành, lao động trẻ có bố mẹ làm quản lý sẽ có cơ hội làm quản lý hoặc ít nhất là nhân viên văn phòng cao hơn hàng chục lần so với lao động trẻ có bố mẹ làm công việc chân tay như nông dân hoặc ngư dân. “Nhóm sẽ đề cập tới các biến số này trong các nghiên cứu tiếp theo khi có đầy đủ dữ liệu. Ngoài ra, nhóm sẽ nghiên cứu yếu tố làm trái ngành nghề được đào tạo ảnh hưởng ra sao tới thu nhập của lao động,” TS Tuyến nói.

Trong khi đó, TS Phạm Hiệp tự nhận thấy, với nghiên cứu của mình và các cộng sự, không khó để có một bài báo khoa học, nhưng để có giá trị tham khảo về mặt chính sách thì chưa đủ bởi nghiên cứu chưa tính được mức chi phí đơn vị cho từng nhóm ngành khác nhau, cũng chưa tính được trong đó nhà nước tài trợ bao nhiêu và người dân chi trả bao nhiêu là hợp lý.

Để làm được như vậy, phải xác định lợi ích cá nhân (như TS Tuyến đã tính toán) và lợi ích xã hội trong từng nhóm ngành cụ thể ra sao. Mức sinh lợi cho cá nhân thấp mà mức sinh lợi cho xã hội cao thì phần nhà nước tài trợ phải nhiều và ngược lại. Tất nhiên, cũng cần tính đến khả năng chi trả của người dân như GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh ở phần thảo luận. Theo TS Hiệp, đây là hướng nghiên cứu khá bế tắc vì anh và các cộng sự đã theo đuổi nhiều năm nhưng chưa tìm được nguồn dữ liệu. Có thể, nhóm sẽ chọn giải pháp khả thi hơn là đối sánh với một số nước cụ thể như Úc, Mỹ…, những nơi có dữ liệu dồi dào, TS Hiệp cho biết.

Dù các nghiên cứu còn chưa hoàn tất nhưng đã cung cấp thêm những bằng chứng thuyết phục để khẳng định, giáo dục cần được nhà nước và các gia đình tiếp tục đầu tư ở mức hợp lý như một cách bảo đảm sinh kế cho mỗi cá nhân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo các con số mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ có 12,11% lao động Việt Nam có bằng đại học và 0,77% lao động có bằng sau đại học.

Mức lương trung bình (đã bao gồm phụ cấp nghề và làm thêm giờ) của người lao động Việt Nam hiện nay vào khoảng 4,6 triệu/tháng; trong khi thu nhập trung bình của những người có bằng đại học vào khoảng 7,9 triệu/tháng.

 

Theo nghiên cứu của TS Trần Quang Tuyến, mỗi năm đi học nói chung giúp người lao động Việt Nam tăng thêm tiền lương khoảng 6%, thấp hơn mức trung bình 10% của thế giới, và cũng thấp hơn mức trung bình 8,9% của nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.

Bên cạnh đó, mức sinh lợi cho cá nhân của giáo dục đang có xu hướng giảm kể từ năm 2008, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh từ thập niên 1990 nhờ ảnh hưởng của quá trình mở cửa và cải cách kinh tế. Nguyên nhân có thể do giáo dục, đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp, gia tăng bùng nổ trong khi khả năng hấp thụ của thị trường lao động còn hạn chế; hoặc do chất lượng lao động chưa cao, xuất phát từ chỗ đầu tư cho giáo dục chưa tới, như nghiên cứu của TS Phạm Hiệp bước đầu chỉ ra.

>> Xem bài gốc


Thái Thanh thực hiện