Trang tin tức sự kiện
 
Đào tạo sau đại học chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội

Ảnh: Bùi Tuấn
Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đang là một trong những trường có nhiều nỗ lực đổi mới, hiện đại hóa giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, đào tạo sau đại học đang là hướng đi được Trường ưu tiên và đầu tư phát triển. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐHKT - ĐHQGHN về vấn đề này.


Thưa Tiến sĩ, trong các trường đại học tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là khối trường đào tạo về kinh tế thì ĐHKT - ĐHQGHN còn rất non trẻ. Vậy ông có thể giới thiệu đôi nét về Nhà trường?
TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Thực ra, Trường ĐHKT tuy còn trẻ nhưng không non. Trường ĐHKT có tiền thân là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1974; Khoa Kinh tế thuộc ĐHQGHN năm 1999 và đến tháng 3/2007, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Trường ĐHKT thuộc ĐHQGHN. Trong những năm qua, Trường đã đào tạo được nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Kinh tế, Quản trị kinh doanh phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Nhiều người đã và đang giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp.
Trường ĐHKT trực thuộc ĐHQGHN nên đã được thừa hưởng những thế mạnh sẵn có của một đại học lớn với cơ cấu đào tạo theo đa ngành, đa lĩnh vực; mạng lưới đối tác rộng là các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước và đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Trường ĐHKT rất thuận lợi trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, nghiên cứu có tính liên ngành và mới, đáp ứng yêu cầu đào tạo các nhà phân tích kinh tế và quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế tri thức. Đây là thế mạnh riêng và khác biệt quan trọng của Nhà trường so với các trường đại học kinh tế khác ở Việt Nam.
Trong tương lai không xa, Trường sẽ có một cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực Láng, Hòa Lạc (thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Đặc biệt, Trường ĐHK hướng tới đào tạo theo chuẩn quốc tế ngay từ khi thành lập, từ chương trình đào tạo, nhân lực và quy trình quản lý. Trường ĐHKT đang tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo liên kết (từ cử nhân đến tiến sĩ) với các trường đại học của Mỹ, Pháp, New Zealand... trong các lĩnh vực thẩm định kinh tế, quản lý dự án quốc tế và quản trị kinh doanh; đồng thời triển khai mô hình gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Với việc liên kết này, Trường đã và đang tiếp cận được các chương trình, công nghệ đào tạo quốc tế, bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp và có nhiều triển vọng trong huy động các nguồn lực để phát triển.
Được biết đào tạo sau đại học là hướng ưu tiên phát triển của Trường, vậy trong kỳ tuyển sinh sắp tới Nhà trường có những điểm mới gì thưa tiến sĩ?
TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Đúng vậy! Đào tạo sau đại học được coi là hướng trọng tâm phát triển của Trường ĐHKT về cả quy mô và chất lượng. Chiến lược của Trường là vừa giữ vững quy mô đào tạo bậc cử nhân, đồng thời phát triển đào tạo sau đại học theo hướng một trường đại học nghiên cứu.
Trường ĐHK đề nghị và đã được ĐHQGHN chấp nhận cho phép thí sinh tốt nghiệp từ bất cứ ngành nào thuộc nhóm ngành kinh tế, quản trị kinh doanh cũng được dự thi vào 1 trong 4 ngành đào tạo thạc sĩ của Trường: Kinh tế đối ngoại, Kinh tế chính trị, Tài chính Ngân hàng và Quản trị kinh doanh nếu có đủ năm kinh nghiệm và học bổ sung kiến thức. Nếu thí sinh có bằng đại học chính quy cần học thêm 5 môn (15 tín chỉ), không chính quy và tốt nghiệp loại khá trở lên học 9 môn (27 tín chỉ). Riêng đối tượng dự thi thạc sĩ Quản trị kinh doanh được mở rộng hơn cho các thí sinh không thuộc khối ngành Kinh tế như: Toán, Toán - Tin, Công nghệ thông tin, Luật học, Du lịch, Khoa học Chính trị… với điều kiện có bằng đại học chính quy, chứng chỉ bổ sung kiến thức 12 môn (34 tín chỉ) và 3 năm công tác trong lĩnh vực quản trị kinh doanh.
Một điểm mới, có tính đột phá nữa là tuyển sinh nghiên cứu sinh (NCS). Đối tượng dự thi, thay vì thi hai môn cơ bản và cơ sở, bảo vệ đề cương, thì chỉ cần làm hồ sơ xét tuyển bao gồm: Thư giới thiệu của nhà khoa học uy tín có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; Đề cương nghiên cứu; Hồ sơ học tập từ đại học đến thạc sĩ; Những công trình nghiên cứu, ấn phẩm đã đăng; Bằng ngoại ngữ... Hồ sơ được lượng hóa thông qua thang điểm và có một hội đồng xét tuyển nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác để tuyển chọn được những nghiên cứu sinh có trình độ, năng lực nghiên cứu. Với cách làm này, Trường ĐHKT chú trọng đến năng lực, trình độ thực sự của các ứng viên trong cả quá trình dài, ở nhiều khía cạnh chứ không chú trọng kết quả thi ở một vài môn cụ thể ở một thời điểm cụ thể. Xét tuyển NCS sẽ lựa chọn chính xác, khách quan và đem lại chất lượng đầu vào tốt hơn.
- Thưa ông, một trong những vấn đề quyết định chất lượng đào tạo đó là đội ngũ giảng viên. Vậy đội ngũ cán bộ giảng viên để đáp ứng cho đào tạo sau đại học sẽ được hoàn thiện thế nào?
TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Đây là một trong những vấn đề được lãnh đạo Nhà trường đặt lên hàng đầu, coi đội ngũ giáo viên là điều kiện quan trọng nhất nếu không nói là quyết định đến sự tồn tại và phát triển cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của một trường đại học. Nhà trường đã quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn và tiếng Anh theo hướng sử dụng tốt những cán bộ hiện có và tuyển dụng cán bộ mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Trường ĐHKT đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài, các chuyên gia đầu ngành, cán bộ trẻ tài năng tốt nghiệp tại các trường đại học có danh tiếng ở nước ngoài vào làm việc hoặc cộng tác trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hợp tác phát triển, dịch vụ… của Trường; Đồng thời, tạo môi trường làm việc năng động, hợp tác, thi đua lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi người đều được cống hiến và gắn kết với Nhà trường.
Đặc biệt, Trường thực hiện giải pháp đột phá như mời doanh nhân giỏi, có trình độ cao, các chuyên gia nước ngoài (Việt Kiều, người nước ngoài) tham gia công tác quản lý, giảng dạy và tư vấn cho Nhà trường. Trường ĐHKT đã và đang liên kết với các đại học nước ngoài ở Mỹ, Xinhgapo, Thái Lan, Trung Quốc v.v… Thông qua hợp tác quốc tế, Trường ĐHKT đặt mục tiêu quốc tế hóa chương trình giảng dạy trong nước, nâng cao trình độ cán bộ của Trường qua đó tiếp cận với trình độ thế giới.
- Xin cảm ơn ông!


Duy Thái - Huy Hoàng (Thực hiện) - TBTCVN