Trang tin tức sự kiện
 
Nghiệm thu đề cương môn học “Các tác phẩm của Adam Smith và David Ricardo”

Cải tiến chương trình đào tạo là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của ĐHKT hiện nay.
Theo kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo đại học theo tín chỉ, chiều ngày 28/5/2008, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức nghiệm thu đề cương môn học “Các tác phẩm của Adam Smith và David Ricardo” do ThS. Phạm Văn Chiến – Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị biên soạn.


Hội đồng nghiệm thu đề cương môn học do TS. Nguyễn Ngọc Thanh làm Chủ tịch hội đồng; PGS.TS Phạm Văn Dũng làm phản biện 1, TS. Đinh Văn Thông làm phản biện 2; ThS. Trần Đức Hiệp và ThS. Nguyễn Thị Thư giữ vai trò ủy viên và thư ký hội đồng.
Sau khi ThS. Phạm Văn Chiến trình bày nội dung của đề cương, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài đã nhận xét, thảo luận về mục tiêu, phương pháp, kết cấu, nội dung và cách thức thể hiện đề cương môn học “Các tác phẩm của Adam Smith và David Ricardo”.
Hầu hết các ý kiến phản biện đều cho rằng: Đề cương môn học đã được chuẩn bị đúng mẫu, có sự phân chia thời lượng học và thảo luận phù hợp, nội dung môn học thể hiện được những gợi mở cho sinh viên tự nghiên cứu theo phương thức đào tạo tín chỉ.
TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch hội đồng đánh giá, đã nhất trí với nhận xét của các phản biện và nhận định: “Đây là một môn học rất quan trọng đối với sinh viên chuyên ngành Kinh tế Chính trị có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc. Tuy nhiên, người biên soạn cần bổ sung thêm cách đánh giá, kiểm tra sinh viên cho phù hợp thông qua các bài luận và mức độ chuyên cần của sinh viên”.
Hội đồng đánh giá đề cương môn học đã bỏ phiếu và đồng ý cho ThS. Phạm Văn Chiến tiếp tục hoàn thiện đề cương theo sự góp ý của Hội đồng cho phù hợp với chương trình đào tạo theo tín chỉ.
Hiện nay, các khoa trực thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN đang gấp rút hoàn thành đề cương môn học phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ và triển khai nghiệm thu. Đây là một trong những khâu quan trọng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo theo phương thức niên chế sang phương thức đào tạo theo tín chỉ.


Phùng Nam Thái (KTCT)