Trang tin tức sự kiện
 
Sinh viên nói gì về nghiên cứu khoa học?

Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) không còn là vấn đề mới mẻ trong các trường đại học, song để đạt được chất lượng tốt, rút ra các bài học cho công việc sau khi ra trường là cả một vấn đề lớn. Chính vì vậy, việc lựa chọn đề tài, cách xử lý đề tài như thế nào để có hiệu quả nghiên cứu cao là một nội dung cần phải bàn.


Sau các hội nghị sinh viên NCKH cấp khoa, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị sinh viên NCKH cấp trường năm 2011. Hội nghị đã đem lại nhiều vấn đề mới cho sinh viên nhà trường. Sự nhìn nhận của họ với các vấn đề kinh tế - xã hội, cách lựa chọn đề tài, chọn phương pháp khoa học, người hướng dẫn... để giải quyết vấn đề đặt ra cho thấy: nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã trở nên nghiêm túc và khoa học hơn.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với các sinh viên tham gia Hội nghị sinh viên NCKH 2011 về các vấn đề này.
Bùi Khắc Linh - Giải nhất
(QH-2006-E KTCT) với đề tài "Công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp" do PGS.TS. Mai Thị Thanh Xuân hướng dẫn:
Em được cô giáo hướng dẫn gợi ý chọn  đề tài này.  Đối với sinh viên chúng em, khó khăn nhất khi làm nghiên cứu khoa học đó chính là tìm được một đề tài phù hợp.
Công nghiệp sáng tạo là một khái niệm rất mới ở Việt Nam. Chính vì do "tính mới" trong cả nhận thức, nghiên cứu lẫn thực tiễn phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này ở Việt Nam, mà việc thu thập dữ liệu tổng hợp của tất cả các nhóm ngành công nghiệp sáng tạo rất khó khăn, khiến việc triển khai công trình gặp nhiều  khó khăn, thậm chí bị gián đoạn. Song những khó khăn này  lại là thách thức để em phải nỗ lực vượt qua.
Đề tài NCKH của em đạt Giải nhất Giải thưởng sinh viên NCKH cấp Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Đề tài sẽ được gửi tham gia Giải thưởng sinh viên NCKH cấp ĐHQGHN/Bộ.
Em sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn trong khâu phân tích số liệu thông qua việc sử dụng bộ số liệu tổng hợp của 3 bảng cân đối liên ngành trong 3 năm của Việt Nam. Từ những luận cứ cụ thể này sẽ giúp em đưa ra những luận điểm chặt chẽ, chính xác khi đánh giá thực trạng và đưa ra một số đề xuất đối với ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, bố cục lại các lập luận cơ bản rất cần thiết cho đề tài. Qua góp ý của giáo viên hướng dẫn, Hội đồng chấm đề tài và thầy cô giáo Khoa KTCT, em sẽ bổ sung một số phân tích mới, đồng thời triển khai việc tiếp cận đánh giá ngành công nghiệp một cách rõ nét, lôgic hơn.
Trong quá trình thực hiện đề tài này, em đã nhận được sự chỉ dẫn, động viên tận tình của cô giáo - PGS.TS Mai Thị Thanh Xuân. Em nhận thấy, nghiên cứu khoa học không chỉ cần có các thao tác nghiên cứu, sử dụng công cụ nghiên cứu mà quan trọng hơn đó là việc định hướng, gợi ý để triển khai các luận điểm, việc đảm bảo bố cục, tính logic và phương pháp lập luận để đạt được mục tiêu nghiên cứu.

Lê Thị Hải Yến, Giải ba
(Nhóm tác giả QH-2008-E TCNH) với đề tài "Tác động của tham nhũng tới nguồn vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010" do TS. Vũ Quốc Huy hướng dẫn:
Đối với sinh viên, điều khó khăn nhất khi làm NCKH là việc chọn đề tài. Đó phải là đề tài mình yêu thích, có liên quan trực tiếp đến ngành học và cũng dễ dàng tiếp cận trong việc tìm kiếm tài liệu tham khảo cũng như các số liệu, phương pháp nghiên cứu.
Qua gợi ý cũng như hướng dẫn của giáo viên hướng dẫn, nhóm chúng em đã chọn đề tài liên quan tới nguồn vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010. Sau khi tìm hiểu em thấy đề tài này đặc biệt thú vị và gần với những gì chúng em đang học trên lớp về các thể chế kinh tế Việt Nam. Mặc dù chỉ đạt giải 3 nhưng việc hoàn thành đề tài đã đem lại cho chúng em nhiều bài học về tìm hiểu tri thức lẫn kinh nghiệm làm NCKH.
Phạm Thị Hoàng Giang - Giải khuyến khích
(thuộc Nhóm tác giả QH-2008-E KTĐN & QH-2009-E CLC) với đề tài "Xây dựng mô hình thúc đẩy công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam: Trường hợp ngành thép tỉnh Hà Tĩnh" do TS. Vũ Anh Dũng hướng dẫn:
Lý do lựa chọn đề tài của em là do trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, công nghiệp phụ trợ - đòn bẩy công nghiệp hóa - dần trở thành một đề tài được nhắc đến rất nhiều, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam chưa có đóng góp đáng kể trong việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, các đề tài trước đây cũng chưa đề cập đến một mô hình phát triển công nghiệp phụ trợ cho toàn Việt Nam.
Sau khi bảo vệ đề tài, em đã biết qui trình tiến hành một nghiên cứu khoa học chuẩn. Một bài học nhỏ nữa là luôn luôn tìm kiếm lời khuyên từ những người trong ngành (thầy cô).
Nguyễn Mạnh Hùng - Giải khuyến khích (thuộc Nhóm tác giả QH-2009-E KTPT) với đề tài "Chiến lược đưa sản phẩm cà phê lon Morish One của Trung Nguyên ra thị trường trong thời gian tới" do ThS. Trần Việt Dũng hướng dẫn:
Sau khi làm xong đề tài NCKH em thấy rằng, thực ra NCKH không phải là một điều gì quá khó ,mà quan trọng là cần sự nỗ lực cố gắng của bản thân, vững về kiến thức, lý thuyết mảng mình nghiên cứu. Còn một điều quan trọng hơn nữa là phải có kế hoạch cụ thể, nắm được vấn đề cần nêu bật lên trong đề tài.
Về đề tài NCKH của sinh viên, em thấy các đề tài NCKH Trường ĐHKT ngày càng chất lượng hơn, dám đi vào nghiên cứu về những cái mà chưa ai nghiên cứu, áp dụng phương pháp định lượng vào trong nghiên cứu. Đặc biệt, cái mới nhất  trong phong trào sinh viên NCKH năm nay, như thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn đã nhận xét, đó là sự hợp tác cùng NCKH giữa sinh viên các khoa thuộc ĐHKT - ĐHQGHN.
Riêng em, trong năm tới em sẽ tham gia NCKH lần nữa với 1 trong 2 đề tài là "Thể chế nhà nước về thị trường bất động sản" hoặc "Chiến lược phát triển doanh nghiệp".

___________
TIN LIÊN QUAN:

M.T