Trang tin tức sự kiện
 
Tiến tới thị trường điện tự do cạnh tranh

Hương Thuỷ (thực hiện)
Những vấn đề “phức tạp” xung quanh ngành điện vẫn liên tục được mổ xẻ, không chỉ từ các nhà quản lý. Báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với Ông Đinh Tuấn Minh, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia) quanh vấn đề cơ chế nào là hợp lý cho giá điện (?).


Thưa  ông, thời điểm này  đưa  ra cơ  chế  giá  điện  mới (trong đó dự  kiến cho  phép điều  chỉnh giá  điện  theo  các  yếu tố  đầu vào) liệu có  phù hợp  hay  không vì giá  điện  tác động  đến nhiều lĩnh vực  của nền kinh tế? Liệu cơ  chế  điều hành hiện  nay của  ngành  điện (được  cho  là  không phù hợp) có phải là  cốt  lõi  của  việc  không  có  giá điện  hợp  lý  hay  không? Hay  là  tại  vì sự độc  quyền của  ngành  điện?

Tôi  cho  rằng việc   đề  xuất cơ  chế  điều hành giá điện linh  hoạt  là hợp  lý và  cần thiết vì  chắc  chắn  sẽ  có  tác  động  tốt  cho  nền kinh tế trong dài  hạn, mặc  dù  ngắn hạn  có  thể gây  ra  chút  khó khăn  cho  các doanh  nghiệp. Các  doanh  nghiệp  sẽ  phải thích  ứng  với  giá  điện   khi  tăng, khi  giảm phụ  thuộc  vào yếu tố  đầu vào như  (than, nước, khí...) để  tính  toán   mọi hoạt  động, kinh doanh  của  doanh  nghiệp. Tuy  nhiên,  đối  với  mục  tiêu  dài  hạn  thì sẽ  tốt, vì ngành điện  sẽ chủ động hơn trong việc  cung cấp  điện và quan trọng hơn  là  học biết  được họ sẽ thu  được  lợi  nhuận  là  bao  nhiêu  sau  khi  sản xuất ra 1kw điện.

Giải  pháp  tách phát  điện  khỏi  truyền tải, mua bán  và  điều  độ  (như đề xuất  của  Bộ  Công  thương) trong kế  hoạch  tái  cơ  cấu  ngành  điện liệu có  giúp  đưa  giá  thành bán  lẻ điện tăng giảm  hợp lý hay  không, thưa ông? 
Như  những  kết quả  nghiên  cứu  mà  Trung tâm đã  từng  đưa ra, việc  tái  cơ  cấu  ngành  điện, hiểu một cách  nôm na là  tách  nguồn cung  ra khỏi các  khâu truyền tải và bán  lẻ, nhằm tạo  thế cạnh  tranh  trong khâu  phát  điện  luôn luôn là cách tốt  nhất  để vừa  tạo được  cơ  chế  thu  hút  vốn đầu tư cho  ngành  điện, lại  vừa  có  giá  điện  hợp lý. Thậm chí  sẽ  có giá  thành  hấp  dẫn hơn khi  mà sẽ  có nhiều  doanh  nghiệp cùng  muốn  tham  gia  vào lĩnh  vực  sản xuất  điện  do  thấy  lợi  nhuận  rõ  ràng. Đồng thời  sẽ khuyến khích các  doanh  nghiệp  cung cấp điện tiết kiệm  và  nâng  cao  năng suất...

Vậy thì theo  ông  cơ  chế  nào là hợp lý nhất  cho giá  điện thời  điểm này khi  mà ngành điện  vẫn  “lùng bùng”  trong  bối  cảnh thiếu  vốn  để đầu  tư, sản xuất  điện mà  giá  điện  thì lại chưa  được phép tăng theo  những  biến  động  của  yếu  tố  đầu vào?

Thời điểm này chúng ta  đang  chuyển độc quyền từ khâu  cung cấp, bán  buôn và  bán  lẻ sang  thị  trường  điện  tự  do cạnh  tranh, linh hoạt  về  giá  điện  nên  chắc  chắn sẽ gặp  nhiều khó khăn. Về phương  án  đề  xuất  của  Bộ  Công thương đưa ra mới  đây  về việc  cải tổ  ngành  điện, đưa  giá  điện  linh hoạt vào  áp  dụng tôi  hoàn toàn ủng hộ. Tuy  nhiên, trong giai  đoạn  chưa chuyển hoàn toàn sang  thị trường  cạnh  tranh thì  chúng ta  phải chấp nhận  có một  cơ quan  giám  sát và  công khai  giá thành  của  điện  bán lẻ. Thậm  chí  phải lựa  chọn mô  hình  như đối  với  xăng dầu trước  khi  có  thị  trường  cạnh  tranh  hoàn toàn.
Xin  cám ơn ông!


Đại đoàn kết - 20/7/2010]