Trang tin tức sự kiện
 
Một số phân tích định lượng ban đầu về ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu

Nhóm chuyên gia Nguyễn Đức Thành, Bùi Trinh, Đào Nguyên Thắng thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đưa ra báo cáo về “Ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu: một số phân tích định lượng ban đầu”. Báo cáo đã chỉ ra tác động của giá xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng, ngân sách của các hộ gia đình và 112 ngành sản xuất.


Bài 1: Lạm phát cả năm có thể 28 - 30%
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tuyên bố với các phương tiện thông tin đại chúng ước lượng ảnh hưởng của việc tăng giá này lên mức tăng giá chung là khoảng 0,5 - 0,7%.
Đã có nhiều tranh luận về ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu lần này tới mức tăng giá chung, cũng như những ảnh hưởng có thể khác tới nền kinh tế. Việc thực hiện ước lượng cụ thể ảnh hưởng của động thái chính sách này là một nỗ lực cần thiết.
Nhìn chung, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu hàm chứa yếu tố tiêu cực dễ thấy trong ngắn hạn như xáo trộn tâm lý, tăng giá và sức ép tăng giá, suy giảm trên thị trường chứng khoán, bất lợi trong khu vực kinh doanh. Tuy nhiên, nó cũng hàm chứa nhiều yếu tố tích cực trong dài hạn, như giảm thất thu ngân sách từ buôn lậu xăng ở biên giới, giảm méo mó trên thị trường do các hình thức trợ cấp nói chung, giảm sức ép thâm hụt ngân sách và do đó là sức ép vay nợ hoặc đánh thuế của Chính phủ trong tương lai.
Bảng 1 cho thấy cấu trúc của rổ hàng hoá dùng để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay. Mặt hàng xăng dầu nằm trong mục 04. Do chưa có bảng phân rã cấu trúc chi tiết hơn, nên chúng tôi tạm dựa trên thông tin hiện thời. Ước sơ bộ, dựa trên giả định quyền số cho xăng dầu chiếm khoảng 20% trong mục này, thì có nghĩa là xăng dầu có quyền số khoảng 2% trong tổng thể rổ hàng tính CPI. Như vậy, mức tăng 30% của giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức CPI là khoảng 0,6%. Kết quả này dường như khá nhất quán với con số mà bộ trưởng Tài chính đã tính toán và công bố. Như vậy, có thể nói, con số công bố mới chỉ tính đến ảnh hưởng trực tiếp và tức thời của việc tăng giá xăng dầu theo cách tính CPI hiện thời, mà chưa tính tới những ảnh hưởng dây chuyền sau đó, có tác dụng làm CPI bị đẩy lên cao hơn nữa.
Về phương diện kinh tế vĩ mô, nếu giả định điều chỉnh diễn ra trong sáu tháng, thì tính toán ở đây cho thấy từ nay đến cuối năm CPI có thể sẽ tăng thêm gần 3,67% vì hiệu ứng tăng giá xăng dầu. Do đó, mức lạm phát dự tính cả năm có thể lên tới 28 - 30% trong năm nay. Tăng trưởng GDP năm nay có thể sẽ chỉ đạt khoảng 6,1% do sự suy giảm tổng sản lượng từ hiệu ứng tăng giá xăng dầu được ước tính là khoảng 0,4%. Tuy nhiên, ngay cả khi điều này xảy ra, chúng tôi cũng cho rằng năm 2008 là một năm điều chỉnh của nền kinh tế Việt Nam, và không nên thổi phồng nỗi bi quan về tình hình kinh tế trung và dài hạn. Thời gian điều chỉnh có thể kéo dài tới nửa đầu năm 2009, và sau đó, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ phục hồi và trở lại với con đường phát triển kinh tế khả quan.

TTXVN đã dẫn bài viết của tiến sĩ kinh tế vĩ mô Lê Hồng Giang, chuyên gia tư vấn cho một quỹ tại Úc, về những ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đối với CPI. Theo bài viết này, nếu chỉ tính ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu trong ngày 21.7 vừa qua, CPI trong tháng 7 của Việt Nam có thể sẽ tăng lên 1,47% nếu cộng thêm các yếu tố tăng giá khác thì CPI tháng 7 sẽ còn cao hơn nữa.


K.V ghi (theo Sài Gòn tiếp thị)